Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O (Certificate of Original) là một chứng từ quan trọng trong bộ hồ sơ xuất nhập khẩu. C/O do cơ quan có thẩm quyền hay đại diện có thẩm quyền tại nước xuất khẩu cấp để chứng minh xuất xứ của sản phẩm nước đó và hưởng thuế suất ưu đãi cho hàng hóa có xuất xứ được ghi trên C/O theo các hiệp định thương mại được ký kết giữa các quốc gia/ liên minh/ vùng lãnh thổ. Tuy nhiên không phải có C/O hợp lệ thì hàng hóa sẽ được hưởng ưu đãi thuế suất, có một số C/O chỉ đơn giản là để chứng minh xuất xứ.

Trong bài viết dưới, Vận chuyển hàng hóa Mỹ USA Việt sẽ cung cấp cho bạn tất tần tật những kiến thức liên quan đến C/O như đặc điểm của C/O, tác dụng của C/O, các cơ quan có thẩm quyền cấp C/O, các thông tin cần có của C/O, và những mẫu C/O đang được sử dụng phổ biến hiện nay tại Việt Nam. Mời bạn đọc cùng theo dõi nhé!

Mẫu C/O form E

Mẫu C/O form E
Mẫu C/O form E

I. Đặc điểm của giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O

Theo nghị định số 31/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, tại Điều 3 có nêu rõ định nghĩa về Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa:

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức thuộc nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa cấp dựa trên quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đó”.

CO là gì?

C/O được xác định theo một quy tắc xuất xứ cụ thể và phải được nước nhập khẩu thừa nhận. Quy tắc đó có thể là của nước nhập khẩu hoặc của nước cấp C/O (nếu nước nhập khẩu không có yêu cầu nào khác). C/O được cấp theo quy tắc xuất xứ nào thì sẽ được hưởng các ưu đãi tương ứng (nếu có) khi nhập khẩu vào nước dành cho các ưu đãi đó.

C/O có thể được phát hành dưới dạng văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương (dạng điện tử). Hiện nay, C/O form D và C/O form AI đã có dạng điện tử, còn lại các form khác vẫn đang là bản giấy.

C/O thường sẽ có:

      • C/O cấp trực tiếp: bởi nước xuất xứ (có thể là nước xuất khẩu)
      • C/O giáp lưng (back to back C/O): C/O cấp gián tiếp bởi nước xuất khẩu không phải là nước xuất xứ. Nước xuất khẩu trong trường hợp này gọi là nước lai xứ.

II. Tác dụng của giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O

Nộp hồ sơ C/O

C/O có thể mang lại nhiều tác dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu, cho nhà nước. Cụ thể như sau:

      • Đối với nhà nhập khẩu:
        • C/O là cơ sở để nhà nhập khẩu xác định được xuất xứ hàng hóa mà mình nhập khẩu, đảm bảo hàng hóa đó được sản xuất từ nước mà họ muốn.
        • Qua đó sẽ giúp các doanh nghiệp nhập khẩu được hưởng những ưu đãi về thuế quan theo các thỏa thuận thương mại đã được ký kết giữa các quốc gia. Có nhiều mặt hàng thuế suất nhập khẩu khi có C/O ưu đãi có thể giảm xuống 0%.
        • C/O còn là bằng chứng đảm bảo người nhập khẩu không vi phạm những quy định của nhà nước. Ví dụ như trước đây, Mỹ có thực hiện chính sách cấm vận đối với Cuba, do đó việc có C/O giúp doanh nghiệp nhập khẩu chứng minh được hàng hóa của mình không có xuất xứ từ quốc gia này.
      • Đối với nhà xuất khẩu:
        • C/O là một bằng chứng chứng minh hàng hóa của doanh nghiệp xuất khẩu phù hợp với quy định về xuất xứ hàng hóa trên hợp đồng.
        • C/O còn là căn cứ để xác định chất lượng của hàng hóa, đặc biệt là đối với các mặt hàng truyền thống, đặc sản, có thương hiệu gắn liền với các vùng miền.
      • Đối với cơ quan Nhà nước: C/O giúp cơ quan Hải quan và Chính phủ nước nhập khẩu quản lý các mặt hàng nhập khẩu, đảm bảo hàng hóa phù hợp với chính sách của Nhà nước.Việc xác định xuất xứ khiến việc biên soạn các số liệu thống kê thương mại đối với một nước hoặc một khu vực sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Trên cơ sở đó, các cơ quan thương mại có thể duy trì được hệ thống hạn ngạch và thúc đẩy được nhiều cơ hội giao thương.
      • Áp dụng thuế chống phá giá và trợ giá: Trường hợp khi hàng hóa của một nước bị phá giá tại thị trường nước khác, việc xác định được nguồn gốc xuất xứ khiến các hành động chống phá giá và việc áp dụng thuế chống trợ giá sẽ trở nên khả thi hơn.

 

C/O thường có 2 loại là:

      • C/O không ưu đãi: C/O chỉ chứng minh xuất xứ hàng hóa, không có giá trị hưởng thuế suất ưu đãi.
      • C/O ưu đãi: C/O cho phép hàng hóa được miễn hoặc giảm thuế suất sang các nước theo quy định trong các Hiệp định được ký kết. C/O này vừa chứng minh được xuất xứ, vừa có giá trị hưởng thuế suất ưu đãi cho các hàng hóa ghi trên C/O.

III. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O của Việt Nam

Hiện nay, tại Việt Nam có 2 cơ quan có thẩm quyền được cấp phát C/O là:

      • Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam – VCCI (Vietnam Chamber Of Commerce and Industry): cấp các loại C/O form A, form B, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo cơ chế REX , C/O ICO, và C/O form X cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
      • Phòng quản lý xuất nhập khẩu của Bộ công thương: cấp các form C/O còn lại.

Lợi ích của việc cấp C/O

IV. Các thông tin cần có trên giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O 

Một C/O hoàn chỉnh cần có những nội dung cơ bản sau đây:

      • Các thông tin tham chiếu: số C/O (Reference Number), tên form C/O, tên nước phát hành
      • Thông tin nhà xuất khẩu: tên công ty, địa chỉ.
        (thường là người bán hàng trên Invoice, trừ trường hợp hóa đơn bên thứ 3 thì trên ô này là tên công ty sản xuất).
      • Thông tin nhà nhập khẩu: tên công ty, địa chỉ.
      • Tên phương tiện vận tải và tuyến đường: ngày khởi hành, tên tàu + số chuyến, tên cảng dỡ hàng, tuyến đường và phương thức vận chuyển.
      • Các thông tin về hàng hoá: tên hàng, bao bì, nhãn mác đóng gói hàng hoá, trọng lượng, số lượng, giá trị, mã HS,…
      • Tiêu chí về xuất xứ hàng hoá: tiêu chí xác định xuất xứ, nước xuất xứ hàng hoá.
      • Thông tin về Invoice
      • Xác nhận của người xin C/O
      • Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.

Lưu ý:

      • Về nguyên tắc, các nước chỉ cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa của quốc gia mình. Tuy nhiên, hàng hóa không chỉ được xuất khẩu trực tiếp tới nước nhập khẩu cuối cùng (nơi tiêu thụ hàng hóa) mà có thể được xuất khẩu qua các nước trung gian. Do đó, một số nước quy định hàng nhập khẩu vào nước mình có thể được cấp C/O giáp lưng trên cơ sở C/O gốc của nước xuất xứ.
      • Theo quy chế cấp C/O ưu đãi hiện hành của Việt Nam, có một số C/O ưu đãi đặc biệt được cấp dưới dạng giáp lưng. Khi gặp các C/O dạng này thì cần kiểm tra chặt chẽ các điều kiện quy định về vận chuyển trực tiếp.

V. Cách kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O

Để xác định C/O giấy là hợp lệ, bạn nên:

Kiểm tra hình thức bên ngoài của C/O:

      • C/O phải có dòng chữ FORM D/ FORM E/ FORM S/ FORM AK/ FORM AJ,…
      • Số tham chiếu: mỗi C/O có một số tham chiếu riêng.
      • Các tiêu chí trên C/O phải được điền đầy đủ theo quy định.
      • Kích thước, màu sắc, ngôn ngữ và mặt sau của C/O phải theo đúng quy định của các Hiệp định và các văn bản pháp luật có liên quan.

Kiểm tra nội dung của C/O:

      • Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp C/O của nước xuất khẩu:
          • Chữ ký của người cấp C/O phải thuộc danh sách chữ ký của Phòng cấp C/O đã được Tổng cục Hải quan thông báo.
          • Chữ ký của người có thẩm quyền cấp C/O phải còn thời hạn hiệu lực.
      • Các thông tin khác trên C/O:
          • Nhà nhập khẩu: tên nhà nhập khẩu trên C/O phải phù hợp với tên nhà nhập khẩu trên tờ khai hải quan.
          • Mô tả hàng hóa: hàng hóa mô tả trên C/O phải phù hợp với hàng hóa khai báo trong tờ khai hải quan và các chứng từ khác.
          • Mã HS trên C/O: trường hợp có sự khác biệt về phân loại mã số HS giữa nước thành viên xuất khẩu và nước thành viên nhập khẩu nhưng không làm thay đổi bản chất xuất xứ hàng hóa thì xem xét chấp nhận.
          • Kiểm tra tiêu chí xuất xứ của hàng hóa trên C/O: Kiểm tra cách ghi tiêu chí xuất xứ của hàng hóa trên C/O được quy định tại các Quy tắc xuất xứ thực hiện Hiệp định thương mại tự do do Bộ Công Thương ban hành và phần hướng dẫn ở mặt sau C/O.

VI. Các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O hiện nay

Tuỳ thuộc vào từng lô hàng cụ thể (loại hàng gì, đi và đến từ nước nào…) mà doanh nghiệp xuất khẩu hoặc nhập khẩu sẽ xác định nên sử dụng loại C/O nào. Dưới đây là các mẫu C/O đang hiện hành ở Việt Nam.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về các nghị định liên quan cho mỗi mẫu C/O tại đây nhé: https://drive.google.com/drive/folders/1tOvB0dCEaiZcLCif7CoWfxvSTt8FEPH8?usp=sharing.

1. C/O mẫu A (Form A)

Là chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP – Generalized System of Preferences) cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước, vùng lãnh thổ cho Việt Nam hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP

Các mẫu C/O đang hiện hành ngày nay

2. C/O mẫu B (Form B)

Đây là loại C/O được cấp cho hàng xuất khẩu sang tất cả các nước, và không được hưởng ưu đãi theo quy định tại Thông tư 05/2018/TT-BCT ngày 3/4/2018.

3. C/O mẫu D (Form D)

C/O form D áp dụng cho hàng hoá xuất nhập khẩu giữa các nước ASEAN thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

4. C/O mẫu E (Form E)

C/O form E được cấp đối với hàng hoá xuất nhập khẩu giữa khu vực ASEAN và Trung Quốc. Với loại C/O này, hàng hóa sẽ được hưởng các ưu đãi thuế quan theo quy tắc xuất xứ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA).

5. C/O mẫu S (Form S)

C/O form S được cấp đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào. Hàng hóa được cấp C/O mẫu này sẽ được hưởng các ưu đãi theo quy tắc xuất xứ Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào.

6. C/O mẫu AK (Form AK)

C/O form AK được cấp đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa khối nước ASEAN và Hàn Quốc. Hàng hóa được cấp C/O mẫu này sẽ được hưởng các ưu đãi thuế quan theo quy tắc xuất xứ của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA).

7. C/O mẫu AI (Form AI)

C/O form AI được cấp cho hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nước ASEAN và Ấn Độ. Hàng hóa được cấp C/O mẫu AI sẽ được hưởng các ưu đãi thuế quan theo quy tắc xuất xứ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Ấn Độ (AIFTA).

8. C/O mẫu AJ (Form AJ)

C/O form AJ được cấp đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản hoặc ngược lại để được hưởng các ưu đãi thuế quan theo hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP).

9. C/O mẫu AANZ (Form AANZ)

C/O form AANZ được cấp cho hàng hóa của các nước ASEAN, Úc và Niu-di-lân. Hàng hoá được cấp mẫu này sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy tắc xuất xứ Hiệp định thương mại hàng hóa Asean – Úc – Niu di lân (AANZFTA).

10. C/O mẫu AHK (Form AHK)

C/O form AHK được cấp đối với hàng hóa của các khối nước ASEAN xuất khẩu sang Hồng Kông. Hàng hoá được cấp mẫu này sẽ được hưởng ưu đãi theo quy tắc xuất xứ Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hồng Kông, Trung Quốc.

11. C/O mẫu VJ (Form VJ)

C/O form VJ được áp dụng đối với các loại hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam hoặc Nhật Bản. Hàng hoá được cấp C/O mẫu này sẽ được hưởng các ưu đãi thuế quan theo quy tắc xuất xứ Hiệp định đối tác kinh tế VJEPA giữa Việt Nam và Nhật Bản.

12. C/O mẫu VC (Form VC)

C/O form VC được cấp cho hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Chi Lê. Hàng hoá được cấp mẫu này sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy tắc xuất xứ Hiệp định thương mại hàng hóa giữa Việt Nam – Chi Lê (VCFTA)

13. C/O mẫu VK (Form VK)

C/O form VK được cấp cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc và ngược lại. Hàng hoá được cấp mẫu này sẽ được hưởng ưu đãi theo quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc VKFTA (VietNam – Korea Free Trade Area)

14. C/O mẫu VN – CU (Form VN – CU)

C/O form VN – CU được cấp cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Cuba. Hàng hoá được cấp mẫu này sẽ được hưởng ưu đãi theo quy tắc xuất xứ Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba.

15. C/O mẫu CPTPP (Form CPTPP)

C/O form CPTPP được cấp cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên trong hiệp định CPTPP. Hàng hóa được cấp C/O mẫu CPTPP sẽ được hưởng các ưu đãi theo Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa các Chính phủ của các nước thành viên.

16. C/O mẫu EAV (Form EAV)

C/O form EAV được cấp cho hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu. Hàng hoá được cấp mẫu này sẽ được hưởng ưu đãi theo quy tắc xuất xứ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu (VNEAEUFTA).

17. C/O mẫu EUR.1 (Form EUR.1)

C/O form EUR.1 được cấp cho hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam và Liên minh châu Âu, được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy tắc xuất xứ Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA).

18. C/O mẫu ICO (Form ICO)

C/O này được cấp cho sản phẩm từ cà phê trồng và thu hoạch tại Việt Nam xuất khẩu sang tất cả các nước theo quy định của Tổ chức cà phê thế giới (ICO).

Các mẫu giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá hiện nay

19. C/O mẫu X 

C/O form X thực chất chỉ là giấy chứng nhận cho hàng hóa không đáp ứng quy định về xuất xứ. Chúng không được xem là C/O và cũng không được hưởng ưu đãi.

C/O mẫu X

20. C/O mẫu T (Form T)

C/O form T hay còn có tên khác là C/O form Textile, chỉ cấp cho hàng dệt may thuộc diện quản lý hạn ngạch theo Hiệp định dệt may Việt Nam – EU. Mỗi form chỉ được cấp cho một loại Category hàng dệt may khi xuất khẩu sang EU.

21. C/O mẫu Venezuela (Form Venezuela)

Đây là loại C/O không ưu đãi được cấp cho một số sản phẩm xuất khẩu sang Venezuela (theo pháp luật nước này về chống bán phá giá và bồi thường). Venezuela không phải là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn đối với Việt Nam. Tuy vậy vẫn có nhiều doanh nghiệp nước ta cũng đã xuất hàng sang Venezuela.

22. Các mẫu C/O ít gặp khác

Một số loại C/O ít gặp khác có thể kể đến là:

      • C/O mẫu Peru
      • C/O mẫu Turkey Thổ Nhĩ Kỳ – tương đương với mẫu B
      • C/O mẫu DA59 Nam Phi – tương đương với mẫu B

Nếu có nhu cầu quý doanh nghiệp và công ty vui lòng liên hệ với Vận chuyển hàng hóa Mỹ USA Việt để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời nhất.

Rate this post