Nội Dung
Tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản sang Mỹ
Dư địa xuất khẩu nông sản sang Mỹ là rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như nắm vững các tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản sang Mỹ hiện nay. Theo dõi bài viết dưới đây để được bật mí những tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản sang Hoa Kỳ.
Mỹ – Thị trường lớn nhất cho xuất khẩu nông sản Việt Nam
Tính tới thời điểm tháng 02/2023, có 7 loại nông sản được phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch ngày càng tăng bao gồm: xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa và bưởi da xanh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Trong 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Hoa Kỳ đạt con số 3,5 tỉ USD và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.
Xem thêm Có được phép mang mật ong lên máy bay không?
Những tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản sang Mỹ
Với hơn 300 triệu người tiêu dùng, Hoa Kỳ được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Song đi cùng với đó, Hoa Kỳ cũng là thị trường “kỹ tính”. Thị trường này đòi hỏi rất nghiêm ngặt về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm nhập khẩu. Dưới đây là một số tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản sang Mỹ:
Chất lượng thương mại và ghi nhãn mác
Tất cả các loại nông sản nhập khẩu vào Hoa Kỳ đều phải đạt tiêu chuẩn của Ban Thị Trường thuộc Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Trước khi xuất khẩu nông sản vào thị trường Mỹ, doanh nghiệp, đơn vị xuất khẩu cần đăng ký kiểm tra chất lượng với Cục quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA). Bên cạnh đó, cần làm thủ tục đăng ký cơ sở kinh doanh để được cấp mã số kinh doanh.
Căn cứ theo Luật An ninh trang trại và Đầu tư nông thôn Mỹ năm 2002, nông sản xuất khẩu bắt buộc phải ghi nhãn về nước xuất xứ (COOL). Do đó, trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp Việt cần phải đăng ký với FDA về cơ sở đóng gói. Việc ghi nhãn phải đảm bảo hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn của FDA.
Quy định về an toàn thực phẩm
Nông sản xuất khẩu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín xuất khẩu của nông sản Việt Nam. Nếu nông sản Việt bị phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, không những bị trả về hoặc tiêu hủy, thị trường Mỹ có thể đưa ra cảnh báo hoặc lệnh cấm xuất khẩu. Do đó, để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm rõ các quy định về an toàn thực phẩm.
Tại thị trường Mỹ, mức dư lượng tối đa với các loại thuốc bảo vệ thực vật cho phép được thiết lập bởi Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA). Và được Cơ quan Quản lý về Thực phẩm và Dược Phẩm (FDA) giám sát chất lượng ngay tại địa điểm nhập khẩu đối với tất mặt hàng nông sản.
Để biết được thông tin chi tiết các yêu cầu và mức dư lượng tối đa được thiết lập bởi Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), doanh nghiệp xuất khẩu có thể tham khảo Website:
- https://www.fda.gov/food/chemicals-metals-pesticides-food
- https://www.epa.gov/safepestcontrol
Truy xuất nguồn gốc xuất xứ
Thông qua Luật Khủng bố Sinh học, Mỹ yêu cầu tất cả các nhà xuất khẩu nông sản phải đăng ký với Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA). Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần phải thông báo trước khi lô hàng đến Hoa Kỳ.
Chương trình ghi nhãn nước xuất xứ (COOL) yêu cầu đối với một số mặt hàng nông sản cần phải được ghi rõ trên nhãn của sản phẩm. COOL sẽ có ảnh hưởng đến các quy định về truy xuất nguồn gốc xuất xứ của Hoa Kỳ tới các nước cung cấp.
Kiểm dịch thực vật
Tại Hoa Kỳ, thanh tra viên của Cơ quan Thanh tra sức khỏe Động Thực vật sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra và chứng nhận tất cả các lô hàng trước khi khai báo hải quan. Nếu phát hiện thấy có dấu hiệu của sâu hại hoặc dịch bệnh, lô hàng nông sản xuất khẩu có thể bị khử trùng (hoặc xử lý theo cách khác), bị trả lại nước xuất khẩu hoặc thậm chí là bị tiêu hủy.
Khai báo hải quan
Cơ quan hải quan Hoa Kỳ chỉ có thể cấp phép nhập cho các mặt hàng nông sản nhập khẩu vào thị trường này sau khi đã được APHIS và FDA kiểm tra tại nơi nhập khẩu. Sau khi đã xác định số lượng, giá trị, nguồn gốc xuất xứ, nhà xuất khẩu phải trả các loại thuế cần thiết ngay tại nơi nhập khẩu.
Những lưu ý quan trọng khi xuất khẩu nông sản sang Mỹ
Để lô hàng nông sản mang thương hiệu Việt xuất khẩu thành công sang thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp không nên bỏ qua những lưu ý quan trọng sau:
- Thứ nhất, cần tuân thủ các tiêu chuẩn mà Mỹ đưa ra.
- Thứ hai, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu kiểm tra tại chỗ của Mỹ như kiểm tra tại cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Nếu như không chấp nhận kiểm tra tại chỗ cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bị từ chối nhập khẩu.
- Thứ ba, nếu doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lần đầu tiên cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để giải trình về các biện pháp vệ sinh thực phẩm ngay từ cơ sở sản xuất. Bởi theo quy định của Luật hiện đại hóa An toàn thực phẩm của FDA, sau khi đăng ký với FDA, thanh tra viên sẽ kiểm tra lại mức độ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của doanh nghiệp, nhà máy chế biến, cơ sở đóng gói rồi mới cho phép xuất lô hàng.
Để phát huy được hết tiềm năng của thị trường, các doanh nghiệp cần nắm rõ được các tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản sang Mỹ. Hy vọng qua những thông tin mà Vận Chuyển Mỹ Việt chia sẻ ở bài viết mang tới cho cá nhân, đơn vị xuất khẩu nhiều thông tin bổ ích!
Xem thêm Dịch vụ khai hải quan tại sân bay Tân Sơn Nhất uy tín, nhanh chóng